Kỳ diệu Võ Trúc Duyên

Cơ thể gầy gò, nhỏ nhắn, suốt 15 năm qua Võ Trúc Duyên nằm gần như bất động trên giường, chỉ đôi mắt rất đẹp và lanh lợi như biết nói và cái miệng cười rất có duyên. “Giang sơn” của Duyên là chiếc giường đầy màu sắc và cái máy tính online. Suốt ngày, trên mỗi bàn tay chỉ còn 2 ngón cử động được, Duyên kết nối với bạn bè khắp bốn phương, tự tìm việc làm cho mình để kiếm thu nhập và làm được rất nhiều việc khác khiến mọi người phải nể phục.

Vo Truc Duyen

Tai nạn nghiệt ngã

Vuốt hai ống chân co rút, khẳng khiu, đang mất dần cảm giác của con, bà Nguyễn Thị Trang Thùy, mẹ của Duyên xót xa kể lại bi kịch đã biến Duyên từ một đứa trẻ rất đẹp, mập mạp và dễ nuôi, trở nên tàn phế. Lúc Duyên được khoảng một tuổi, người chị hàng xóm ẵm Duyên về nhà chơi. Trong lúc đem Duyên đi trả, tai nạn xảy ra, người đó bị vấp ngạch cửa, té, Duyên rớt đập đầu xuống nền gạch, đầu bị móp. Lúc đó, thấy Duyên không khóc nên mọi người tưởng không có chuyện gì xảy ra. Nhưng tối hôm đó, Duyên khóc ngất từng chập, người nhà đưa vào bệnh viện, bác sĩ khám nói không sao. Khi về nhà, Duyên vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. 2 tháng sau, Duyên bắt đầu đau, khóc nhiều với những biểu hiện bất thường, cơ thể ngày càng ốm, yếu, mỗi lần mẹ tập đứng chựng, Duyên khóc thét, khụy xuống. Gia đình đưa Duyên lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh, chụp CT, phát hiện Duyên bị chấn thương sọ não, tụ máu bầm. Đúng ngày Duyên tròn 17 tháng tuổi, bác sĩ cho biết Duyên bị liệt dây thần kinh vận động. Mẹ Duyên rưng rưng nói: “Nghe bác sĩ nói, niềm hy vọng trong tôi tắt lịm, ôm cơ thể quặt quẹo của con mỗi ngày mà lòng đau như xé. Tôi bán tất cả tài sản trong nhà, vay mượn người thân, đưa con đến nhiều bác sĩ đông và tây y ở các tỉnh để chữa bệnh, nhưng không cứu vãn được. Ráng lo cho con mà gia đình lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ. Có những lúc khó khăn quá tưởng không chịu nổi, nhưng nhìn con còn chịu khổ gấp trăm lần mình, lại nén lòng vượt qua”. Trong thời gian cha mẹ ngược xuôi chữa bệnh cho Duyên, chị Duyên mới 6 tuổi ở nhà với bà nội già yếu. Lúc trước, mẹ Duyên cũng có công việc ổn định, nhưng quá thương con, bà nghỉ làm, dẹp tiệm tạp hóa để cận kề chăm sóc Duyên.

Suốt từ nhỏ đến năm 16 tuổi, Duyên đi bác sĩ suốt, mỗi năm vào bệnh viện 4-5 lần, một lần nằm tới mấy tuần. Trước đây, nhà Duyên rất nghèo, cha Duyên chạy xe ba gác, làm thuê để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Căn nhà ẩm thấp, chật chội, nằm cặp sông Cần Thơ, mùa mưa nước lớn từ sông tràn vào, còn chưa đầy gang tay là ngập giường của Duyên, mẹ phải kê gạch lên, không dám rời con nửa bước, sợ muỗi mòng, rắn rít… Lúc này, Duyên rất thường bị bệnh lặt vặt, thêm căn bệnh nghiệt ngã đang mang trong mình hành hạ nên Duyên bị đau nhức suốt. Có những đêm 12 giờ khuya, cha mẹ phải lấy xe đạp chở đi lòng vòng ngoài đường, Duyên mới chịu ngủ. Mấy năm qua, được sự giúp đỡ của người bác ruột, cha Duyên cất lại nhà, nghỉ chạy xe ba gác, học nghề nhiếp ảnh, cộng thêm chị hai đi làm gởi tiền về phụ tiếp nên giờ cuộc sống gia đình cũng tạm ổn định. Duyên nói: “Cha cực lắm, thường đi làm tới khuya mới về, hết mực thương vợ con. Vì những người thân yêu, em tự nhủ phải vươn lên, sống tốt, không bi quan, tự tạo niềm vui cho mình và gia đình, trở thành người có ích”.

Bước ra thế giới bên ngoài

Cách đây 5 năm, một người bạn của chị Hai đi nước ngoài về tặng Duyên chiếc laptop (vi tính xách tay). Duyên mê lắm, mua sách về mày mò tự học, rồi nhờ ba dạy thêm photoshop, sau đó tự sáng tạo trên nền căn bản. Cha Duyên, ông Võ Văn Chương, 51 tuổi, ngó con trìu mến, nói: “Lúc đầu tôi không tin con sử dụng được máy tính vì 4 ngón tay của cháu rất yếu, chỉ cầm được cây viết và rê con chuột. Nhưng bù lại cháu rất thông minh, có năng khiếu nghệ thuật, các thao tác kỹ thuật về hình ảnh, tôi chỉ một lần là cháu biết hết”.

Duyên kể: “Tập đánh máy đau tay lắm, mất nhiều thời gian và rất khó, có lúc các đầu ngón tay sưng tấy, nhưng em vẫn quyết tâm làm. Mê máy quá nên em sử dụng liên tục, mới 2 năm máy bị hư. Em gom tiền dành dụm từ việc làm thêm, mượn bạn bè, xin ba một ít, mua cái máy mới gần 5 triệu đồng, giờ sắp trả hết nợ rồi”. Một người bạn tới chơi, thấy mỗi lần đánh máy rất khó khăn đối với Duyên, vất vả lắm mới điều khiển nổi mấy ngón tay, bạn ấy đã tạo cho Duyên bàn phím ảo. Giờ Duyên lướt web, xử lý thông tin, tư vấn khách hàng và chat mail với mọi người rất nhanh, không còn gặp trở ngại nào. Danh sách bạn bè của Duyên ngày càng nhiều lên, theo đó là thêm niềm vui Duyên nhận được mỗi ngày, để rồi nhen nhóm trong cô gái tật nguyền tình yêu cuộc sống với vô vàn những điều yêu thương. Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Duyên là một người có tài, thông thạo nhiều thứ, đặc biệt rất giỏi trong lĩnh vực vi tính, em đã từng nhờ Duyên hướng dẫn thêm về kỹ thuật trên mạng. Lần đầu tiên gặp Duyên em hơi sợ, vì vẻ ngoài không bình thường của bạn ấy, nhưng sự vui vẻ, dí dỏm của Duyên đã xóa tan mọi khoảng cách. Lúc nào Duyên cũng lạc quan, yêu đời, không để ý đến bất hạnh mình đang gánh chịu. Chơi với Duyên, em thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, vươn tới”.

Kiếm tiền từ đôi tay tàn tật

Năm rồi, Duyên xin tiền người bác ruột hùn vốn với một nhóm bạn ở TP Hồ Chí Minh hợp tác bán máy nghe nhạc, USB, chi nhánh mở tại nhà Duyên ở số 53 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc, quận Ninh Kiều. Bán một thời gian, khi có lượng khách đông và ổn định thì người bạn phụ trách nguồn hàng đi nước ngoài du học, Duyên đành nghỉ bán. Không nản chí, tháng 10-2009, gom tiền dành dụm, Duyên và hai người bạn thân ở Cần Thơ lập nhóm chuyên thiết kế, vẽ và in trên chất liệu vải, tất cả các loại áo, cặp, túi xách… chất lượng cao, giá rẻ. Không có tâm lý chờ thời, Duyên chủ động nhờ người chụp hình các mẫu áo, đánh mã số, quảng cáo trên web .

Rất nhiều bạn trẻ tuổi teen ở Cần Thơ đã thử trang phục do Duyên thiết kế và đều hài lòng bởi sự phá cách, ấn tượng, không đụng hàng. Tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng cũng đủ để Duyên trang trải chi phí mua card điện thoại, đi chơi, ăn uống với bạn bè. Vốn tính cẩn thận, mỗi khi nhận hàng làm, Duyên nhờ bạn làm chung đến tận chỗ in, may áo để khảo sát. Tiếng lành đồn xa, mới đây, Duyên nhận được đơn đặt hàng 40 áo thun của một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh tranh đá quý ở TP Hồ Chí Minh.

Với nghị lực phi thường, tin rằng rồi đây Duyên sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn, cuộc đời cô rồi sẽ toàn vẹn hơn từ những điều kỳ diệu đầy niềm tin, hy vọng mà cô đang dệt nên từ tấm thân tật nguyền. Tin rằng Duyên sẽ đi hết con đường mơ ước như lời bài hát mà cô rất thích: “Tuổi trẻ là những ước mơ… nhịp chân bước trên con đường… ánh dương bừng sáng phía chân trời xa”.

KIỀU CHINH